fbpx

TCVN 11041-7:2018 – Nông nghiệp hữu cơ – Phần 7: Sữa hữu cơ

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 11041-7:2018

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – PHẦN 7: SỮA HỮU CƠ

Organic agriculture – Part 7: Organic milk

Lời nói đầu

TCVN 11041-7:2018 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;

Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ gồm các phần sau đây:

TCVN 11041-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,

TCVN 11041-2:2017, Phần 2: Trồng trọt hữu cơ,

TCVN 11041-3:2017, Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ,

TCVN 11041-5:2018, Phần 5: Gạo hữu cơ,

TCVN 11041 -6:2018, Phần 6: Chè hữu cơ,

– TCVN 11041-7:2018, Phần 7: Sữa hữu cơ,

– TCVN 11041-8:2018, Phần 8: Tôm hữu cơ.

 

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – PHẦN 7: SỮA HỮU CƠ

Organic agriculture – Part 7: Organic milk

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với chăn nuôi gia súc cho sữa hữu cơ, thu nhận, bảo quản, chế biến sữa hữu cơ.

Tiêu chuẩn này được áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-3:2017.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ

TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 11041-1:2017 cùng với các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

3.1

Sữa tươi nguyên liệu hữu cơ (organic raw milk)

Sữa thu được từ một hoặc nhiều lần vắt từ tuyến vú của gia súc cho sữa được nuôi theo phương thức hữu cơ, không bổ sung hoặc tách bớt các thành phần của sữa, chưa qua xử lý ở nhiệt độ cao hơn 40 °C hoặc các biện pháp xử lý tương đương khác, dùng để tiêu thụ ở dạng sữa lỏng hoặc để chế biến tiếp theo.

3.2

Sản phẩm sữa hữu cơ (organic milk products)

Sản phẩm thu được từ quá trình chế biến sữa tươi nguyên liệu hữu cơ (3.1), có thể bổ sung phụ gia thực phẩm và các thành phần khác cần cho quá trình chế biến.

4  Nguyên tắc

Chăn nuôi gia súc cho sữa, thu nhận sữa hữu cơ, bảo quản, chế biến sữa hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc chung theo Điều 4 của TCVN 11041-1:2017 và Điều 4 của TCVN 11041-3:2017.

5  Các yêu cầu

5.1  Chăn nuôi

5.1.1  Khu vực chăn nuôi

Theo 5.1.1 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.2  Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ

Theo 5.1.2 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.3  Duy trì sản xuất hữu cơ

Theo 5.1.3 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.4  Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ

Theo 5.1.4 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.5  Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học

Theo 5.1.5 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.6  Giống vật nuôi

Theo 5.1.3 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.7  Thức ăn chăn nuôi

Theo 5.1.4 của TCVN 11041-3:2017.

Thức ăn hữu cơ và thức ăn không hữu cơ phải được bảo quản riêng rẽ và được nhận diện.

5.1.8  Quản lý sức khỏe vật nuôi

Theo 5.1.5 của TCVN 11041-3:2017 và yêu cầu cụ thể sau đây:

Trừ trường hợp sử dụng vắc xin và điều trị ký sinh trùng, nếu gia súc được điều trị nhiều hơn ba đợt bằng thuốc thú y tổng hợp hóa học trong vòng 12 tháng thì sữa của những gia súc này không được công bố là sữa hữu cơ và gia súc phải trải qua thời kỳ chuyển đổi quy định tại 5.1.2.

Danh mục thuốc thú y và các chất hỗ trợ được phép sử dụng đối với gia súc cho sữa trong chăn nuôi hữu cơ được nêu trong Bảng A.1 của tiêu chuẩn này.

Không được sử dụng hoạt chất strychnine trong chăn nuôi hữu cơ.

5.1.9  Quản lý cơ sở chăn nuôi

Theo 5.1.6 của TCVN 11041-3:2017 và các yêu cầu bổ sung sau đây:

5.1.9.1  Tại các khu vực có điều kiện khí hậu thích hợp để chăn thả gia súc ngoài trời, không nhất thiết sử dụng chuồng nuôi nhốt.

5.1.9.2  Nếu sử dụng chuồng nuôi nhốt, phải đảm bảo gia súc có thể tự do ra vào khu vận động ngoài trời, trừ trường hợp gia súc được chăn thả ngoài trời tối thiểu hai lần mỗi tuần.

5.1.9.3  Đối với đồng cỏ và khu vận động ngoài trời:

a) Cơ sở phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm chất cấm từ các khu vực xung quanh.

b) Không được gieo trồng hạt giống và vật liệu nhân giống có nguồn gốc từ công nghệ tái tổ hợp ADN.

c) Phải có cây xanh hoặc phương tiện tránh các điều kiện thời tiết (ví dụ: mưa, gió, ánh sáng, nhiệt độ) không thích hợp, khi gia súc không thể tự do ra vào chuồng.

d) Phải có biện pháp kiểm soát động vật và thực vật có độc.

5.1.9.4  Việc nuôi nhốt gia súc tạm thời được phép áp dụng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của gia súc trong các trường hợp sau:

a) gia súc từ khi sinh đến hai tháng tuổi; riêng đối với bê, nghé: trong vòng 7 ngày sau khi cai sữa và không ít hơn hai tháng tuổi.

b) trâu, bò cái mang thai từ tháng thứ 8 đến khi sinh.

c) trong điều kiện thời tiết xấu hoặc xảy ra thảm họa thiên nhiên.

d) trong thời gian mà nếu vận động ngoài trời có thể gây nguy hiểm cho việc cứu hộ gia súc khi có dịch bệnh hoặc thảm họa.

e) trong thời gian mà việc gặm cỏ hoặc việc di chuyển của gia súc gây tổn hại đến đồng cỏ và khu vận động ngoài trời.

5.1.9.5  Bê, nghé có thể được giữ trong chuồng riêng, đến ba tháng tuổi, với điều kiện:

a) không được buộc cố định bê, nghé và phải có đủ không gian để bê, nghé nằm, đứng, quay đầu, tự liếm lông và nghỉ ngơi.

b) chuồng phải được thiết kế để mỗi con bê, nghé có thể nhìn thấy, ngửi và nghe thấy những con khác cùng loài; mỗi chuồng có diện tích tối thiểu 2,5 m2 và chiều rộng tối thiểu 1,5 m.

5.1.10  Quản lý phân và chất thải

Theo 5.1.7 của TCVN 11041-3:2017.

5.2  Vắt sữa và thu gom sữa tươi nguyên liệu

5.2.1  Khu vắt sữa

a) Cơ sở phải giảm thiểu thời gian chờ của gia súc khi chúng di chuyển từ khu vực nuôi giữ đến khu vắt sữa và khi gia súc từ khu vắt sữa trở về chuồng hoặc ra đồng cỏ hoặc khu vận động ngoài trời.

b) Không được sử dụng cửa điện.

c) Phải có biện pháp bảo vệ không cho các động vật không mong muốn như lợn, gia cầm và các loài khác tiếp cận khu vắt sữa vì chúng có thể làm ô nhiễm sữa.

d) Đối với gia súc mang bệnh, sữa phải được vắt ở khu riêng biệt.

e) Nền chuồng ở khu vực nuôi giữ và lối đi không được trơn trượt.

f) Khu vắt sữa phải:

– Dễ dàng làm sạch;

– Mặt sàn phải được thiết kế không được trơn trượt, dễ thoát nước, có biện pháp để thu gom và xử lý chất thải;

– Có hệ thống thông gió và chiếu sáng thích hợp;

– Có nguồn cung cấp nước đầy đủ và thích hợp, có chất lượng phù hợp để sử dụng khi vắt sữa, khi vệ sinh bầu vú và vệ sinh các thiết bị vắt sữa;

– Có những khu vực riêng biệt hiệu quả để ngăn cách các nguồn ô nhiễm như phòng vệ sinh (nếu sử dụng) và các chất thải;

– Có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả côn trùng và động vật gặm nhấm.

g) Thiết bị, dụng cụ vắt sữa phải được thiết kế, lắp đặt, bố trí, bảo dưỡng và sử dụng sao cho chúng có thể được làm sạch và không tạo ra nguồn ô nhiễm sữa. Chỉ sử dụng các chất làm sạch, khử trùng thiết bị, dụng cụ vắt sữa nêu trong Phụ lục C của TCVN 11041-3:2017.

h) Quy trình vắt sữa phải được thực hiện trong các điều kiện vệ sinh, gồm:

– Vệ sinh cá nhân tốt của nhân viên vắt sữa;

– Vệ sinh sạch núm vú, bầu vú, phần hông và phần bụng của gia súc;

– Làm sạch và khử trùng các thiết bị/thùng dùng để vắt sữa;

– Tránh làm thương tổn các mô của đầu vú và bầu vú;

– Tránh nhiễm chéo.

i) Các thao tác vắt sữa phải giảm thiểu được việc xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm và các tạp chất lạ từ môi trường vắt sữa và từ da của gia súc cũng như các dư lượng hóa chất do quy trình làm sạch và khử trùng hàng ngày.

5.2.2  Thu gom sữa tươi nguyên liệu

a) Trong mọi điều kiện, phải bảo quản sữa để tránh các chất ô nhiễm sữa và giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật. Dụng cụ dùng để bảo quản và vận chuyển sữa phải được thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng và sử dụng sao cho tránh ô nhiễm và giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật trong sữa:

– Thùng và can bảo quản sữa phải được thiết kế sao cho bảo đảm thoát nước triệt để và được lắp đặt để tránh ô nhiễm sữa từ bên trong;

– Thiết bị bảo quản sữa phải được lắp đặt, bảo trì và kiểm tra để bảo đảm thiết bị này có chức năng hoạt động phù hợp;

– Bề mặt của thùng, can đựng sữa và các thiết bị tiếp xúc với sữa phải dễ làm vệ sinh và khử trùng, bề mặt này phải chống ăn mòn và không thôi nhiễm vào sữa các chất với lượng có thể gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng;

– Thùng và can đựng sữa phải được vệ sinh và khử trùng thường xuyên và với tần suất đủ để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa ô nhiễm sữa;

– Cần có quy trình kiểm tra định kỳ để bảo đảm thiết bị bảo quản sữa được bảo dưỡng thích hợp và ở trong điều kiện làm việc tốt.

b) Sữa phải được thu gom, vận chuyển và giao đến cơ sở chế biến càng sớm càng tốt và theo cách thức sao cho tránh ô nhiễm sữa, giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật trong sữa.

Nếu không chế biến sữa trong vòng 2 h sau khi vắt thì phải làm lạnh sữa đến nhiệt độ:

– không lớn hơn 6 °C khi sữa được thu gom hàng ngày;

– không lớn hơn 4 °C khi sữa không được thu gom hàng ngày.

Trong quá trình vận chuyển sữa tươi nguyên liệu, phải đảm bảo nhiệt độ của sữa không lớn hơn 8 °C.

Phải có biện pháp kiểm soát nhiệt độ của sữa và thời gian thực hiện công đoạn thu gom, vận chuyển và giao sữa đến cơ sở chế biến.

c) Sữa từ gia súc được điều trị bằng thuốc thú y không được pha trộn với sữa hữu cơ và không được vận chuyển cùng với sữa hữu cơ.

d) Khi vận chuyển, sữa hữu cơ phải được nhận diện rõ ràng để tránh bị ô nhiễm hoặc bị trộn lẫn với sữa không hữu cơ.

5.3  Chế biến các sản phẩm sữa

Theo 5.3 của TCVN 11041-1:2017 và các yêu cầu cụ thể sau đây:

a) Phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến: theo danh mục nêu trong Bảng B.1 và Bảng B.2 của tiêu chuẩn này.

b) Hương liệu: chỉ được phép sử dụng các chất tạo hương tự nhiên.

c) Nước: phải sử dụng nước uống được.

d) Muối: phải sử dụng muối dùng cho thực phẩm.

e) Các chế phẩm vi sinh vật và enzym được sử dụng phải đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng chế phẩm chứa vi sinh vật biến đổi gen hoặc enzym có nguồn gốc từ công nghệ gen.

f) Các chất khoáng (bao gồm cả nguyên tố vi lượng), vitamin, axit béo thiết yếu, axit amin thiết yếu và các vi chất dinh dưỡng khác được sử dụng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

5.4  Bao gói

Theo 5.4 của TCVN 11041-1:2017.

5.5  Ghi nhãn

Theo 5.5 của TCVN 11041-1:2017.

5.6  Bảo quản và vận chuyển các sản phẩm sữa

Theo 5.6 của TCVN 11041-1:2017.

5.7  Kế hoạch sản xuất hữu cơ

Theo 5.7 của TCVN 11041-1:2017.

5.8  Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm

Theo 5.8 của TCVN 11041-1:2017.

 

Phụ lục A

(Quy định)

Thuốc thú y và các chất hỗ trợ được phép sử dụng đối với gia súc cho sữa

Thuốc thú y và các chất hỗ trợ được phép sử dụng đối với gia súc cho sữa trong chăn nuôi hữu cơ được quy định trong Bảng A.1.

Bảng A.1 – Thuốc thú y và các chất hỗ trợ được phép sử dụng đối với gia súc cho sữa trong chăn nuôi hữu cơ

Tên Điều kiện sử dụng
1. Aspirin (axit acetylsalicylic) Sử dụng để giảm viêm.
2. Axit peroxyacetic (axit peracetic) Dùng để vệ sinh dụng cụ và thiết bị chế biến.
3. Axit phosphoric Dùng để làm sạch thiết bị, với điều kiện thiết bị đó không tiếp xúc trực tiếp với gia súc hoặc với đất.
4. Các axit khác Chỉ dùng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên
5. Các chất điện giải Không chứa chất kháng sinh
6. Các chất trơ và thành phần bổ trợ Chỉ được sử dụng kết hợp với các chất nêu trong bảng này.
7. Các chất vệ sinh núm vú (physical teat seals) Có thể dùng chất tổng hợp hoặc chất có nguồn gốc tự nhiên. Sản phẩm không được chứa chất kháng sinh. Sử dụng sau thời kỳ vắt sữa. Phải làm sạch hoàn toàn các chất này trước khi vắt sữa hoặc cho bê bú.
8. Chlorhexidine Sử dụng để nhúng núm vú gia súc cho sữa khi các tác nhân diệt khuẩn thay thế và/hoặc các rào cản vật lý đã mất hiệu lực và sử dụng trong các thủ thuật phẫu thuật.
9. Glycerin (glycerol) Sử dụng để nhúng núm vú gia súc cho sữa. Chỉ được dùng sản phẩm hữu cơ trừ khi không có sẵn trên thị trường, sản phẩm phải có nguồn gốc từ chất béo động vật hoặc thực vật, qua quá trình lên men hoặc thủy phân.
10. Các hợp chất clo (canxi hypoclorit, natri hypochlorit, clo dioxit) Chất vệ sinh, khử trùng trang, thiết bị. Hàm lượng clo dư trong nước không được vượt giới hạn tối đa.
11. Các hợp chất sắt Có thể dùng sắt (III) phosphat, sắt (III) pyrophosphat, sắt (II) lactate, sắt (II) sulfat, sắt cacbonat, sắt gluconat, sắt oxit, sắt phosphat, sắt sulfat hoặc sắt khử.
12. Các hợp chất từ thực vật (ví dụ: atropine, butorphanol) Atropine: Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 12 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa

Butorphanol: Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 8 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa

13. Canxi borogluconat Điều trị bệnh sốt sữa
14. Colostral whey Probiotic.
15. Colostrum Chỉ được dùng sản phẩm hữu cơ trừ khi không có sẵn trên thị trường
16. Chất khoáng, chất khoáng vi lượng, các nguyên tố bổ sung Các chất khoáng dạng muối sulfat hoặc dạng phức chelat có nguồn gốc tự nhiên, ví dụ: vỏ sò, canxi clorua, magie oxit. Các chất khoáng dinh dưỡng tổng hợp có thể được sử dụng khi không có sẵn các nguồn tự nhiên trên thị trường. Để điều trị, có thể sử dụng mọi nguồn khoáng.
17. Các hợp chất selen Có thể dùng natri selenat hoặc natri selenit, khi có bằng chứng về sự thiếu hụt selen trong vật nuôi, trong đất hoặc trong nguồn thức ăn.
18. Chất khử trùng chứa isopropanol
19. Chất tẩy trùng (sanitizer), chất khử trùng (disinfectant) chứa etanol Không sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi.
20. Dầu khoáng Sử dụng bên ngoài và làm chất bôi trơn.
21. Dầu thực vật Sử dụng để kiểm soát ngoại ký sinh trùng
22. Đất diatomit Sử dụng để kiểm soát ngoại ký sinh trùng
23. Đồng sulfat Sử dụng làm chất dinh dưỡng thiết yếu (nguồn đồng và lưu huỳnh). Sử dụng điều trị tại chỗ
24. Este sucrose octanoat
25. Flunixin Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất bằng hai lần thời gian tương ứng ghi trên nhãn sản phẩm.
26. Glucose
27. Hydro peroxit
28. Iot Nếu dùng làm chất khử trùng tại chỗ: sử dụng kali iodua và iot nguyên tố. Nếu sử dụng để làm sạch: chỉ dùng hợp chất iot, không dùng iot nguyên tố; dung dịch không lớn hơn 5 % thể tích (ví dụ: iodophor). Phải tráng nước nóng sau khi sử dụng.
29. Liệu pháp sinh học và homeopathic
30. Lưu huỳnh Sử dụng để kiểm soát ngoại ký sinh trùng
31. Magie hydroxit
32. Magie sulfat Chỉ dùng nguồn từ mỏ, để bổ sung magie và lưu huỳnh.
33. Mật ong Chỉ dùng mật ong được sản xuất theo quy trình hữu cơ
34. Nước vôi Chỉ dùng để kiểm soát sinh vật gây hại ngoài da, không được dùng để khử mùi chất thải của động vật
35. Oxytocin Sử dụng trong điều trị sau sinh. Thời gian vắt sữa bỏ đi gấp đôi thời gian tương ứng ghi trên nhãn và không ít hơn 14 ngày
36. Poloxalene Chỉ được sử dụng để điều trị khẩn cấp chứng đầy hơi.
37. Prebiotic Chỉ được dùng sản phẩm hữu cơ trừ khi không có sẵn trên thị trường.
38. Probiotic
39. Than hoạt tính
40. Thuốc an thần Đối với xylazine: Chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 4 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa
41. Tolazoline Chỉ sử dụng để đảo ngược tác dụng của thuốc an thần và giảm đau do xylazine gây ra. Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 4 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa
42. Thuốc gây mê sử dụng tại chỗ (ví dụ: lidocaine, procaine) Nên sử dụng các sản phẩm thay thế có nguồn gốc tự nhiên. Thời gian vắt sữa bỏ đi: là 90 ngày đối với vật nuôi lấy thịt và 7 ngày đối với vật nuôi lấy sữa.

Lidocaine: Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 7 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa

Procaine: Dùng để gây tê cục bộ. Thời gian vắt sữa bỏ đi: ít nhất 7 ngày sau khi dùng cho gia súc cho sữa

43. Thuốc kháng sinh Sử dụng theo quy định tại 5.1.5 của TCVN 11041-3:2017.
44. Thuốc kháng viêm Các chất kháng viêm không steroid. Ưu tiên sử dụng các chất thay thế, có nguồn gốc tự nhiên
45. Thuốc trị ký sinh trùng (ví dụ: fenbendazol, ivermectin, moxidectin) Sử dụng trong điều trị khẩn cấp ký sinh trùng đối với gia súc cho sữa và giống vật nuôi khi việc quản lý phòng ngừa đã hoạch định của hệ thống hữu cơ không ngăn được việc nhiễm ký sinh trùng. Sữa hoặc các sản phẩm sữa từ gia súc được điều trị không được dán nhãn hữu cơ trong vòng 90 ngày sau khi điều trị. Đối với gia súc làm giống, không điều trị trong 3 tháng cuối của thai kỳ nếu con cái của chúng được bán dưới dạng hữu cơ và không được sử dụng trong thời gian tiết sữa đối với con giống.

Moxidectin: chỉ dùng để kiểm soát nội ký sinh trùng.

46. Vắc xin và sinh phẩm thú y khác
47. Vi sinh vật và nấm men Có thể sử dụng nấm men có nguồn gốc tự nhiên nếu sản phẩm hữu cơ không có sẵn trên thị trường
48. Vitamin

Phụ lục B

(Quy định)

Các chất được sử dụng trong chế biến sản phẩm sữa

B.1  Phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến

a) Danh mục phụ gia thực phẩm được sử dụng trong chế biến sản phẩm sữa hữu cơ được nêu trong Bảng B.1.

Bảng B.1 – Phụ gia thực phẩm được sử dụng trong chế biến sản phẩm sữa hữu cơ

Ch số INS
a)
Tên phụ gia Ch số INS Tên phụ gia
170(i) Canxi cacbonat (không sử dụng làm chất tạo màu hoặc chất bổ sung canxi) 407 Carageenan
270 Axit lactic (L-, D- và DL-) 410 Gôm đậu carob
290 Cacbon dioxit 412 Gôm guar
307 Tocopherol dạng đậm đặc tự nhiên hỗn hợp 413 Gôm tragacanth
322 Lecithin (thu được mà không cần tẩy trắng và không dùng dung môi hữu cơ) 414 Gôm arabic
325 Natri lactat 415 Gôm xanthan
327 Canxi lactat 418 Gôm gellan, dạng high-acyl
330 Axit citric 440 Pectin (không amid hóa)
331(i) Natri dihydro citrat 464 Hydroxypropyl metyl cellulose (sử dụng làm vỏ nang)
332(i) Kali dihydro citrat 500(ii) Natri hydro cacbonat
333 Các muối canxi citrat 500(iii) Natri sequicacbonat
341(i) Monocanxi orthophosphat 509 Canxi clorua
400 Axit alginic 551 Silic dioxit (vô định hình)
401 Natri alginat 941 Nitơ
402 Kali alginat 968 Erythritol (chỉ dùng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng công nghệ trao đổi ion)
406 Agar (thạch)

b) Danh mục chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được nêu trong Bảng B.2.

Bảng B.2 – Chất hỗ trợ chế biến được sử dụng trong chế biến sản phẩm sữa hữu cơ

Tên chất hỗ trợ chế biến
1. Nước
2. Natri cacbonat
3. Axit lactica)
4. Axit clohydrica)
5. Cacbon dioxit
6. Nitơ
a) Sử dụng để điều chỉnh pH của bể nước muối trong chế biến phomat.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1]  Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

[2]  Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam

[3]  QCVN 01-39:2011/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh nước dùng trong chăn nuôi

[4]  QCVN 01-78:2011/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Thức ăn chăn nuôi – Các chỉ tiêu vệ sinh an toàn và mức giới hạn tối đa cho phép trong thức ăn chăn nuôi

[5]  QCVN 01-100:2012/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Yêu cầu chung về vệ sinh thú y, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế

[6]  QCVN 01-151:2017/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở vắt sữa và thu gom sữa tươi – Yêu cầu để bảo đảm an toàn thực phẩm

[7]  QCVN 01-183:2016/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Thức ăn chăn nuôi – Quy định giới hạn tối đa cho phép hàm lượng độc tố nấm mốc, kim loại nặng và vi sinh vật trong thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm

[8]  QCVN 01:2009/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống

[9]  TCVN 3974:2015 (CODEX STAN 150-1985, Revised 2012), Muối thực phẩm

[10]  TCVN 6417:2010 (CAC/GL 66-2008), Hướng dẫn sử dụng hương liệu

[11]  CAC/GL 32-1999, Revised 2007, Amendment 2013, Guidelines for the production, processing, labelling and marketing of organically produced foods

[12]  International Federation of Organic Agriculture Movements (IFOAM), IFOAM standard for organic production and processing. Version 2.0, 2014

[13]  Council Regulation (EC) No 834/2007 of 28 June 2007 on organic production and labelling of organic products and repealing Regulation (EEC) No 2092/91

[14]  Commission Regulation (EC) No 889/2008 of 5 September 2008 laying down detailed rules for the implementation of Council Regulation (EC) No 834/2007 on organic production and labelling of organic products with regard to organic production, labelling and control

[15]  Code of Federal Regulations, Title 7: Agriculture, Subtitle B: Regulations of The Department of Agriculture, Chapter I: Agricultural Marketing Service, Subchapter M: Organic Foods Production Act Provisions, Part 205: National Organic Program

[16]  CAN/CGSB-32.310-2015, Amended March 2018 (Tiêu chuẩn quốc gia Canada), Organic production systems. General principles and management standards

[17]  CAN/CGSB-32.311-2015, Amended March 2018, Organic production systems. Permitted substances lists

[18]  National standard for Organic and Bio-Dynamic Produce (Tiêu chuẩn quốc gia Australia), 2015

[19]  JAS for Organic Livestock Products (Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản), 2018

[20]  JAS for Organic Feeds, 2018

[21]  TAS 9000 Part 2-2011 (Tiêu chuẩn nông nghiệp Thái Lan), Organic Livestock

 

 

a) Chỉ số quốc tế về phụ gia thực phẩm.

Kiệt Nguyễn
error: Cảnh báo: Nội dung đã được bảo vệ !!